Dân bỏ tiền vào đâu khi Nhà nước đánh thuế sở hữu nhiều nhà?

Bài đăng trên Saigon Times ngày 03/10/2024

Mấy hôm nay truyền thông đưa tin Bộ Xây dựng  đang bàn chuyện đánh thuế với bất động sản thứ hai. Nói nôm na là từ bất động sản thứ hai trở lên, người sở hữu phải chịu thuế. Hệ quả của chuyện này là gì? Người nào mua càng nhiều nhà đất, thì càng phải chịu thuế khi sở hữu. Khi bị đánh vào túi tiền, về mặt lý thuyết người ta sẽ phân bổ tiền vào chỗ khác, không đầu cơ nhà đất nữa. Theo qui luật cung cầu, khi cầu của một món hàng giảm, giá của món hàng đó cũng sẽ giảm.

Chắc bạn cũng nghe tin, giá mà Starbuck phải trả cho mặt bằng cửa hàng Starbuck Hàn Thuyên, Quận 1 là 750 triệu/tháng. Về mặt kinh doanh, cứ mỗi sáng cửa hàng này phải lo cày cho được tầm 22 triệu đồng thuê mặt bằng. Khủng khiếp! Đây là câu chuyện kinh điển ở Sài Gòn. Ai làm kinh doanh đều phải chịu áp lực rất lớn chuyện chi phí mặt bằng. Ông nào muốn start-up, cứ nói tới chuyện chi phí thuê mặt bằng là đều rùng mình. Tất cả những chuyện này đều có hệ quả từ giá nhà đất quá cao. Nên chuyện kiểm soát đầu cơ bất động sản, qua đó hòng làm giảm giá nhà đất là một nhu cầu có thật nếu nhìn từ hoạt động quản lý nhà nước. Và việc đánh thuế sở hữu nhiều bất động sản được đặt ra là vậy!

Tôi hi vọng là ý định lập pháp này đã được đánh giá tác động một cách kĩ lưỡng. Có ba (03) đối tượng bị tác động rất lớn nếu ý tưởng đánh thuế bất động sản này trở thành hiện thực đó là người dân, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.

1. Người dân 

Nói một cách trực diện, với hoàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, nếu một người có chút tiền tích luỹ, họ sẽ để vào đâu? Gửi Ngân hàng, Mua cổ phiếu/Trái phiếu, Mua vàng hay mua Bất động sản?

Chả phải tự nhiên mà người ta nhịn ăn nhịn mặc để mua Bất động sản. Đánh giá vai trò điều tiết dòng luân chuyển tiền tệ, tôi cho Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa hoàn thành kì vọng trong việc góp phần tạo ra môi trường an toàn trong vấn đề sở hữu. Khi mà Ngân hàng, Kênh cổ phiếu đều là những kênh rủi ro, vàng được coi là kênh trú ẩn. Nhưng hãy nhìn những hỗn loạn trong thị trường vàng trong nửa năm vừa qua, để thấy tác động của nó khủng khiếp như thế nào. Vậy khi chọn cách siết chặt kênh bất động sản, cơ quan soạn thảo phải trả lời cho câu hỏi: người dân có tiền nhà rỗi thì sẽ bảo vào đâu để không bị lạm phát bào mòn theo thời gian?

2. Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng

Tôi tin chính sách này sẽ bị kháng cự quyết liệt từ các doanh nghiệp bất động sản dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói ngắn gọn thế này, trong top 50 tỷ phú trên thị trường chứng khoán, có bao nhiêu người kiếm tiền từ bất động sản và tỷ trọng tài sản của họ so với các ngành nghề khác. Trong khung cảnh u ám hiện nay, việc suất chặt thêm thị trường bất động sản sẽ là thảm họa cho nền kinh tế. Và đừng quên, sự sụp đổ của thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng. Too big to fail, siết chặt thị trường bất động sản tôi không cho đây là lựa chọn không ngoan vào lúc này.

Cá nhân tôi ủng hộ chuyện phải siết thị trường bất động sản. Việc giá nhà vượt quá khả năng mua của phần lớn những người làm công chăm chỉ là việc không thể chấp nhận được. Nhưng tôi lên án chuyện áp thuế sở hữu nhiều bất động sản khi cơ quan nhà nước chưa có đánh giá tác động của dự luật cũng như thực hiện tổng hoà các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động bất lợi mà dự luật gây ra. Theo tôi, có mấy điểm sau đây mà cơ quan soạn thảo nên cân nhắc:

Một: phải trả lời cho câu hỏi kênh trú ẩn về tài chính cho tiền nhà rỗi là gì?Việc đánh vào sở hữu tài sản mà không có các lựa chọn thay thế, về lâu dài sẽ nảy sinh những lựa chọn ngoài khuôn khổ hoặc các phản ứng cực đoan không phải là không có khả năng xảy ra. Nói cách khác, để bảo đảm an sinh xã hội, cần phải có chính sách chung về tài chính cá nhân, mà trong đó thị trường bất động sản (mà  thuế sở hữu bất động sản chỉ là một cấu thành của thị trường) phải đặt trong mối tương quan với các thị trường khác như vàng, tài chính, chứng khoán.

Hai: bước đệm cho việc áp thuế này là gì. Cả một thị trường bất động sản to lớn và các hoạt động kèm theo, đâu thể thay đổi chỉ trong vòng 1 vài tháng. Việc chuyển dịch phải có lộ trình, thời điểm và các biện pháp giảm shock là gì cũng như có cân nhắc tới tình trạng chỉ mành treo chuông của bất động sản hiện nay hay không?