Một ngôi trường nổi tiếng đã cho giảng viên thôi việc xuất phát từ việc giảng viên này đã đánh giá 0 điểm với bài làm của sinh trong môn Sắc Màu với lý do sinh viên này đã dùng AI.Chuyện có lẽ không rùm beng đến thế nếu không có sự can thiệp của mạng xã hội. Trước những phản ứng từ học viên trong lớp, vụ việc lan toả trên mạng xã hội và trường này đang ở trong những ngày cuối cùng của đợt thu hút người học, giảng viên này đã được tái kí hợp đồng [1].
Có rất nhiều thông tin, nhiều đánh giá từ rất nhiều người với rất nhiều góc độ khác nhau. Cá nhân tôi nhìn từ góc độ logic, tôi cho có một câu hỏi sau đây dứt khoát cần phải được minh định trước khi bàn đến những chuyện khác: Thầy, cô giáo đang làm NGHỀ GIÁO (theo quan niệm truyền thống & lâu đời ở Việt Nam là người “đưa đò”, tận tuỵ phục vụ thế hệ đàn em thân yêu) hay đơn thuần chỉ là NGƯỜI CUNG CẤP DỊCH VỤ?
Nếu câu trả lời là NGHỀ GIÁO thì những giải trình, tranh luận và thậm chí là biện pháp gây sức ép để giảng viên kia phải “thoả thuận chấm dứt hợp đồng” chắc chắn sẽ không xảy ra và việc làm của trường kia đáng bị lên án. Làm gì có chuyện một giảng viên dạy về sáng tạo, từ đầu môn học đã đưa ra điều kiện là phải tự thân vận động và không sử dụng AI, lại bị cho thôi việc chỉ vì cho 0 điểm một bài làm gian lận? Nếu vi phân đến tận cùng cái giá của chữ NGHỀ GIÁO là gì? Nói ngắn gọn thế này: (1) ông phải tận tuỵ, dạy hết mình, phải truyền lửa, phải làm gương [đạo đức] ở một mức độ nào đó, thù lao thường ít thôi. (2) vì làm nhiều như vậy, thù lao ít như vậy nên hệ quả thường là xã hội tôn vinh NGHỀ GIÁO, và ở một khía cạnh nào đó, NGHỀ GIÁO cũng có quyền kiêu hãnh ít nhiều.
“Khế ước xã hội” về NGHỀ GIÁO là như vậy!
Nếu câu trả lời ông thầy giáo chỉ là NGƯỜI CUNG CẤP DỊCH VỤ thì vấn đề đơn giản hơn nhiều. Ông bán dịch vụ, tức là giảng dạy, hướng dẫn người khác về kiến thức, kĩ năng nào đó. Làm tốt thì thù lao cao, làm không tốt bị đào thải. Cốt lõi của dịch vụ (service) là đi serve người ta để kiếm tiền. Trong trường hợp này, khách hàng luôn luôn đúng, miễn tranh luận!
Quay trở lại chuyện của trường kia, rõ ràng họ coi việc mở trường là một hoạt động cung cấp dịch vụ. Việc một giảng viên (một người của tổ chức cung cấp dịch vụ) làm cho khách hàng không hài lòng thì không có lý do gì để người đó ở lại tổ chức. Việc chấm dứt hợp đồng với giảng viên chắc chắn sẽ gây tổn thất nhất định về mặt thương mại. Ví dụ, phải bồi thường hoặc hỗ trợ cho giảng viên khi thôi việc. Không có chuyện bất công hay không bất công gì ở đây cả. Hành động này là một tuyên bố rất rõ ràng ở ngôi trường này: học viên là trên hết, chuyện khác hậu xét!
—
Phân tích ở góc độ thị trường như vậy hiện thực diễn ra khá là tàn nhẫn. Lúc đầu khi nhận thông tin vụ này, cảm giác của tôi là phẫn nộ. Nhưng cuối cùng tôi có thể làm gì? Và nếu tôi là giảng viên trong vụ này, tôi có thể làm gì? Thầy giáo già, con hát trẻ mà. Ai theo nghề giáo, những ngày đầu không mang trong mình 1 trái tim nòng bỏng với bao nhiêu là lý tưởng, bao nhiêu là thước đo về bình đẳng, công bằng vân vân và mây mây. Thôi thì mong cho bạn giảng viên kia [nếu vẫn tiếp tục bước đi trên con đường ấy] cố tự rút ra cho mình bài học gì đó sau vụ việc để mình không phải rơi vào cảnh khó xử như vậy.
[1] Giảng viên Trường phổ thông cao đẳng FPT TP.HCM bị cho thôi việc sẽ tiếp tục dạy tại trường, Tuoitre, ngày 03/09/2024