Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi.

[Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Nghĩ mà nó chán! Chuyện một CEO có hành vi gây thiệt hại hoặc Công ty đang đứng trước nguy cơ bị đối thủ hoặc một nhóm cá mập nào đó thâu tóm ác ý là chuyện bình thường về quản trị. Các luận điểm chính mà các Công ty đang ngã ngựa sẽ luôn là:

–             Tôi làm với tất cả tâm huyết, tôi hi sinh thân mình cho Công ty

–             Công ty là chỗ dựa của hàng trăm gia đình, hàng ngàn đối tác

–             Đối thủ xảo quyệt, chúng tôi thơ ngây nên bị lừa

Sao cứ lúc công ty ngã ngựa, người ta lại hay dùng chiêu bài nhân dức là “thương cho nhân viên của công ty mất việc”. Thị trường lao động giờ rộng mở lắm, Công ty này sụp thì còn hàng ngàn công ty khác. Nên đừng lấy người lao động để bao biện và gây sức ép với cơ quan quản lý nhà nước.

Có lần một tỷ phú Đông Âu đã từng nói thế này “Bọn tôi may mắn khi khởi nghiệp vào thập niên 90. Lúc đó cả nước cái gì cũng thiếu, nên làm cái gì cũng đúng. Nếu chúng tôi khởi nghiệp vào lúc này, chưa chắc chúng tôi đã có được thành công”. Chao, thật là một cách nói đầy khiêm tốn của một con người đã có cái cơ ngơi đáng ngưỡng mộ. Bởi ngay cả trong phạm vi toàn cầu có mấy người có được cơ nghiệp tỷ đô. Nhưng rõ ràng là trong bối cảnh hiện nay, môi trường kinh doanh đã khác giai đoạn thập niên 2000 rất nhiều. Hội nhập kinh tế, Cạnh tranh khốc liệt và  Qui định pháp luật rõ ràng là ba (03) cột trụ khiến cho việc kinh doanh bắt buộc phải chuyển đổi từ cơ hội, thân hữu chuyển sang trụ cột là tri thức. Tri thức ở đây nó không chỉ hiện diện ở việc nắm bắt thị trường mà nó còn ở việc định vị thị hiếu của khách hàng, quản trị tiền bạc cho đến quản trị công ty trước những dòm ngó của đối thủ.

Xin đưa ra một ví dụ nhỏ thế này. Trong giai đoạn những năm 2017, khi cả thị trường phải vay với lãi suất dao động từ 10 – 14%/năm thì có những tay chơi lớn trên thị trường đã có những khoản vay offshore với lãi suất đâu đó chỉ tầm 2,5 – 4%. Họ dùng những khoản vay này để tài trợ cho việc xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Trong khi đó lợi nhuận của Công ty, thay vì dúng để tài trợ cho các hoạt động này, họ sẽ cho doanh nghiệp khác vay dưới dạng là mua trái phiếu với lãi suất dao động 10%/năm. Chênh lệch 6% này cho phép các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ nhỏ về vai trò của tri thức trong giai đoạn hiện nay. Tôi đã chứng kiến nhiều tay chơi cự phách họ kiếm tiền một cách đàng hoàng bằng việc ứng dụng tri thức. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ hoặc to nhưng coi khinh tri thức cứ lần lượt lụi tàn. 

Quay trở lại câu chuyện của Lộc Trời, nếu muốn xử lý ông CEO thì Công ty cứ đàng hoàng mà khởi kiên ra Toà theo thủ tục Kiện người quản lý. Nếu cho rằng hành vi của CEO có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ví dụ Tham Ô hoặc Vi phạm qui định về kế toán thì cứ thực hiện hành vi Tố cáo hoặc tố giác tội phạm. Nhìn từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng cách hành xử đúng đắn nhất là nói không với các lời than thở, đơn cứu xét … của doanh nghiệp. Các tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp đã có Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Tố dụng dân sự và thậm chí là Bộ luật Hình sự qui định, cơ quan Hành chính không cần [và về mặt luật không thể] can thiệp. Kinh doanh văn minh, kinh tế thị trường, ai không hiểu luật chơi thì bắt buộc phải trả giá!